Nước mắt dân Thủ Thiêm có chảy vào… Quốc hội?

Tổ chức “cưỡng chiếm” nhà dân ngoài ranh quy hoạch Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Công tác đền bù giải toả, bố trí tái định cư không minh bạch. “Lợi ích nhóm” bất chính. Trách nhiệm của lãnh đạo quận 2 và thành phố qua nhiều thời kỳ. Vai trò mờ nhạt của Hội đồng nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ giám sát…

Quá trình xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm với nhiều lần thay đổi quy hoạch hơn 20 năm qua khiến nhiều gia đình tan cửa nát nhà, vợ chồng con cái ly tán. Đau thương ở lại, chất ngất theo năm tháng đằng đẵng đòi công lý. Nhiều cử tri đã quen với những phiên tiếp xúc trước thềm mỗi kỳ họp Quốc hội, xem như cơ hội để cái “van dân” được xả bớt phần nào…

Nước mắt dân Thủ Thiêm có chảy vào… Quốc hội? -1
Những cung bậc cảm xúc của cử tri Nguyễn Thị Kim Phượng. Ảnh: Trung Dũng

Mang theo di ảnh của người chồng đã khuất vào hội trường, bà Nguyễn Thị Kim Phượng kè theo chiếc ba lô đựng hồ sơ. Vừa sắp xếp giấy tờ, vừa ghi chú chuẩn bị cho phần phát biểu của mình, người phụ nữ này không tiết chế cảm xúc theo ý kiến của nhiều cử tri. Gương mặt sạm đen bất ngờ dàn dụa nước sau khi nhận một cuộc điện thoại. Bà không khóc cho mình. Nước mắt rơi chung vì thông tin tòa phúc thẩm tuyên ông B.Q.T thua trong vụ kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính của UBND Q.2 và Chủ tịch UBND Q.2. Ông T là một trong những hộ dân bị thu hồi đất dù có những bằng chứng pháp lý xác định căn nhà của ông ở Khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ngày 31.7.2012, lực lượng liên ngành thuộc chính quyền quận 2 san bằng căn nhà của bà Phượng sau ba lần thông báo quyết định cưỡng chế. Chỉ kịp mang theo giấy tờ tùy thân và giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất thoát ra trước khi căn nhà sập xuống, gia đình bà Phượng bắt đầu cuộc sống ly tán. Hai người con, một gửi về nội, một nương nhờ bên ngoại. Chồng bà đi kiếm việc làm ở nơi khác. Phần mình, bà dựng tạm nóc lều trên nền gạch vụn, bám trụ giữ chủ quyền.

“Trận càn” cách nay 6 năm châm ngòi cho tinh thần đấu tranh bền bỉ, biến người đàn bà “côi cút làm ăn” thành con người am tường pháp lý tranh chấp đất đai. Chiến dịch thu hồi đất dẫn lối cho những người đồng cảnh tìm thấy nhau, chia sẻ khó khăn trong đời sống thường nhật, chung lưng đất cật trên hành trình gõ cửa cơ quan công quyền, từ quận lên thành phố rồi ra tới trung ương với niềm tin “những khuất tất trong quy hoạch, giải phóng mặt bằng để làm khu đô thị mới phải được làm sáng tỏ. Đất cưỡng chế, giải toả không đúng thì phải trả lại cho dân”.

Gần 22 giờ, rời cuộc tiếp xúc cử tri, bà Phượng tranh thủ tạt qua nhà một đồng đội cập nhật tình hình trước khi quay về với nóc lều tạm bợ. Bóng người xiêu đổ, lướt nhanh trong đêm tối nhắc nhớ chia sẻ của bà bên lề phiên tiếp xúc cử tri: “Chồng tôi mất vì ung thư năm 2016. Tôi đưa ổng về thờ ở cái chòi tạm vì đó là cơ nghiệp của chúng tôi. Tôi phải nhờ người ta quây ít tấm tôn vì thờ chồng để trống lổng, mưa gió quấy quả đâu có đành. Mỗi lần đi như thế này tôi mang di ảnh ổng theo. Để ổng đồng hành. Trước khi nhắm mắt ổng chưa thấy công lý, hy vọng ngày đó sẽ sớm thôi. Phải hông chú?”.

Nước mắt dân Thủ Thiêm có chảy vào… Quốc hội? -2
Cử tri Nguyễn Thị Hà từ căn nhà tuềnh toàng tới những kiến nghị thẳng thắn tới địa biểu Quốc hội. Ảnh: Trung Dũng

Dành cả tuổi thanh xuân để giữ chủ quyền là tình huống của chị Nguyễn Thị Hà (khu phố 1, phường Bình An). Người phụ nữ can trường nghẹn ngào: “Tôi đấu tranh không chỉ để giữ cho con tôi mảnh đất, mà còn là giữ cho con tôi niềm tin vào những lãnh đạo công tâm trên đất nước này, giữ niềm tin vào tổ quốc”.

Ngày 22.8.2004 hằn trong ký ức. Lực lượng cưỡng chế đến cả trăm người kéo đến trước nhà chị. Theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4.6.1996, nhà chị nằm ngoài ranh quy hoạch. Thế nhưng những lần điều chỉnh đã “di dời” nhà chị vào trong ranh, làm cơ sở để áp mức giá đền bù 58 triệu đồng cho căn nhà diện tích 4mX7,2m. Chị Hà không chấp nhận.

“Có chết tôi cũng sẽ chết trong căn nhà của mình”, người phụ nữ sinh năm 1970 kiên cường trong mạch chuyện buồn thương miên man về phận người Thủ Thiêm. Phản ứng mạnh mẽ khiến cơ quan liên ngành chùn tay trong buổi sáng hôm ấy. Nhưng người ta chưa dừng lại. Chuỗi ngày dài sống trong tâm trạng bất an. Cuộc sống đảo lộn. Chị quyết định nghỉ việc để giữ nhà bởi nỗi lo “lực lượng cưỡng chế có thể đến phá nhà bất cứ lúc nào”. Rồi chị cũng gia nhập vào nhóm những người dân quyết giữ đất của mình ở Thủ Thiêm bằng việc tự trang bị cho mình kiến thức về tranh chấp đất đai, sưu tầm các tài liệu, văn bản pháp quy. Và cũng chính chị là một trong 20 người đầu tiên ra Hà Nội khiếu nại, tố cáo những lùm xùm đất đai ở khu đô thị mới Thủ Thiêm...

Nhưng công lý chưa được thực thi thì lần này Thủ Thiêm lại cướp đi của chị điều quý giá khác, đó là cuộc hôn nhân đơm hoa từ năm 1995. Nước mắt chị Hà lại lã chã rơi khi kể về đoạn kết này: “Tôi không giận anh ấy”. Người đàn ông ấy đã có một chặng đường dài kề vai sát cánh với vợ trong hành trình đấu tranh để giữ đất, giữ nhà. Nhưng niềm tin vào sự công tâm của quan chức liên quan đến đất đai ở Thủ Thiêm của người chồng dần bị bào mòn. Rồi tuyệt vọng. Không thể sống trong bước đường cùng, nơm nớp với nỗi lo, anh quyết định tìm con đường mới...

Kịp đến thăm ngôi nhà của chị Hà trước cuộc tiếp xúc cử tri diễn ra mới nhận ra đây là một trong những căn nhà còn sót lại của đoạn đường Lương Định Của này. Mở lối hàng rào thép gai vào căn nhà nằm trơ trọi mà xung quanh là những đống đổ nát, chị Hà nói: “Biết tôi hay đi vắng, trộm thỉnh thoảng vẫn “viếng thăm”. Điện nước lại bị cắt. Cầu thang sắt, những cánh cửa sắt bị cắt đi, tôi lại phải xây bịt lại. Thành ra giờ không biết có thể coi đây là nhà không nữa”. Điều mà chị Hà khó hiểu là cứ mỗi lần có tiếp xúc cử tri, hội họp liên quan đến đất đai, nhà chị vẫn hay bị trộm viếng. Càng lạ hơn là tài sản quý giá nhiều khi không mất nhưng các hồ sơ, giấy tờ bị xới tung lên: “Tôi đâu dại gì để các tài liệu pháp lý nhà đất quan trọng hớ hênh vậy”, chị nói. Nhìn về những toà nhà mới, những con đường to cách đó không xa, rồi ngoái lại ngôi nhà chắp vá của mình trước khi rời đi, chị Hà chép miệng: “Bao nhiêu người dân Thủ Thiêm được ở lại khu đô thị mới này? Bao nhiêu người dân vốn lâu năm gắn bó ở đây, với mức giá được đền bù như vậy, đủ tiền mua lại căn nhà ở ngay vị mà hồi trước là nhà mình?”.

Khóc thật nhiều khi kể về Thủ Thiêm nhưng trước khi bước vào hội trường cuộc tiếp xúc cử tri, chị Hà nói: “Tôi sẽ không khóc nữa”. Và đây là những lời bộc trực mà người phụ nữ đã dành phần đời đẹp nhất để bảo vệ tài sản: “Tại sao có đầy đủ các cơ quan chức năng, cơ quan giám sát nhưng vẫn xảy ra những chuyện khó hiểu ở Thủ Thiêm 20 năm qua? Có bàn tay sắt nào thò vào vấn đề ở Thủ Thiêm hay không? Chúng tôi nhận được lời khuyên hãy chờ đợi và hy sinh nhưng con, cháu của chúng tôi không thể hy sinh được? Đề nghị tổ giám sát Quốc hội thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình báo cáo với Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng”.

Nước mắt dân Thủ Thiêm có chảy vào… Quốc hội? -3
Uất ức dồn nén bấy lâu khiến ông Trần Kim Long nghẹn lời, bật khóc. Ảnh: Trung Dũng

Mang nhiều bức xúc tới hội nghị, tự nhủ mình phải thật vững vàng để trong thời gian cho phép có thể nói hết những kiến nghị đã chuẩn bị sẵn nhưng bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, một cử tri ngụ đường Lương Định Của, đã hai lần bật khóc. Bà chia sẻ gia đình bà từng bám đất giữ làng, nuôi quân kháng chiến. Khi chính quyền giải tỏa 3.787 m2 đất nhà bà, chỉ trả 568 triệu đồng. Trong khi vườn cây ăn trái trả hơn 3 triệu đồng. Bà nhẩm tính, giá đền bù khoảng 150.000 đồng/m2, bằng tiền mua ba tô phở.

Là gia đình cách mạng, bà vận động mọi người chấp hành chủ trương. “Nhưng sau này thấy đất của chúng tôi xây toàn nhà cao tầng, có lợi ích của một số cán bộ. Bà con hàng xóm của tôi toàn là bi đát, bị đẩy ra đường sống cảnh không nhà cửa. Có ông cụ đến lúc chết còn hỏi con rằng nhà của ông ấy đâu, sao như thế này. Dân với Nhà nước như môi với răng, mà giờ răng như muốn cắn môi" - nói đến đây bà Tuyết bật khóc trước hội trường. Chính vì vậy, không chỉ khóc cho riêng mình, bà còn cảm được nổi niềm của những người dân cùng cảnh ngộ…

Tìm cho mình vị trí là hàng ghế cuối dành cho cử tri, ông Trần Kim Long (ngụ phường Bình Khánh) nhẫn nại đợi hơn năm giờ đồng để nói lên những uẩn ức nếm trải đã 10 năm. Nhưng người đàn ông vạm vỡ ấy, chỉ vài câu mở đầu sau khi được trao micro, đã nấc nghẹn và bật khóc. Công việc lái tàu nay đi mai đó, và trong một chuyến đi như vậy khi trở về nhà ông đã không còn nữa. Trước đó, ông không được nhận quyết định giải tỏa, chưa từng được tiếp xúc về vấn đề giải tỏa, chưa từng nhận được giấy tờ bồi thường hay số tiền bồi thường, cũng chưa từng ký bất cứ giấy tờ nào.

Trong 10 năm qua, ông và con trai đã đi khiếu nại khắp nơi hiện phải đi ở nhà thuê, không có công ăn việc làm vì không có giấy tờ, hộ khẩu rõ ràng.

Nước mắt dân Thủ Thiêm có chảy vào… Quốc hội? -4
Uất ức không chỉ khiến bà Lê Thị Thảo nước mắt ngắn dài mà đã ngất xỉu trước sự chứng kiến của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Trung Dũng

Khoảng 19 giờ 30, bà Lê Thị Thảo bật khóc rồi ngất xỉu sau khi trình bày những bức xúc của mình. Những cử tri ngồi cạnh, cũng là những người cùng cảnh ngộ nhà đất bị thu hồi, cưỡng chế như bà Thảo mỗi người một tay “cấp cứu” tại chỗ cho bà. Suốt bao năm mang theo nỗi uẩn ức của người dân bị thu hồi đất, bà như lâm vào cảnh sống dở chết dở. Và còn biết bao người khác phải nuốt những uất ức vào bên trong.

"Bà con hỏi tôi có ray rứt không khi sự việc đến giờ vẫn chưa được giải quyết, người dân còn khổ, ray rứt chứ. Nghe bà con hỏi thế xót lắm", bà Quyết Tâm chia sẻ vào cuối buổi tiếp xúc. Nhưng trước những ý kiến gút lại vấn đề của vị đại biểu quốc hội, chủ tịch HĐND TP.HCM ấy chỉ có tác dụng như những liều thuốc giảm đau tức thời. Người dân Thủ Thiêm trông chờ vụ việc được xử lý rốt ráo. Bởi đã 10 cuộc tiếp xúc, với những vụ việc được xới lên, những kiến nghị được đưa ra. Và họ đã nghe, đã tin.

Theo Người Đô Thị

Đăng nhận xét

Tin liên quan