Mẹ xin lỗi con

Hai mẹ con côi cút trong ngôi nhà lạnh lẽo. Nhiều lúc, con bất chợt hỏi: “Mẹ ơi, sao người lớn cứ gặp con là nói 'tội nghiệp thằng bé' vậy?


Con biết không, ngày biết mình có thai, mẹ ré lên trong niềm vui bất tận. Đi đâu, làm gì, mẹ cũng tìm kiếm những bộ đồ, những chiếc mũ, giày vớ và đồ chơi trẻ con. Đêm nào mẹ cũng bắt ba áp mặt vô bụng bầu trò chuyện với con. Không phải bây giờ mới nghịch đâu. Con nghịch từ ngày còn nằm trong bụng cơ. Bác sĩ bảo thai nằm ngang, nếu sinh phải nhập viện trước một tuần để theo dõi và mổ lấy thai đấy - mẹ lo hết sức.

Mẹ đã sinh con trong cận kề cái chết. Mẹ chưa mang nặng đủ chín tháng mười ngày và cũng không biết “đẻ đau”. Bác sĩ đưa ba con ký vào bản cam kết chọn mẹ hoặc chọn con vì nước ối đã nhiễm trùng nặng. Ba chọn ai mẹ không hỏi, vì mẹ tin ba không muốn phải có sự lựa chọn quá khó như vậy. Và với mẹ, chỉ cần con được chào đời thì trên thế gian này chẳng còn niềm vui nào lớn nữa. Mẹ được đưa lên phòng mổ khi đã vô tình nghe được tiếng cô y tá: “Không nghe được tim thai bác sĩ ạ!”. Lúc còn nằm trên bàn phẫu thuật, nghe tiếng con khóc, mẹ cười nhưng những giọt nước mắt cứ tuôn ra. Đấy là lúc mẹ hiểu thế nào là giọt nước mắt hạnh phúc.

Năm 3 tuổi, người lớn ẵm con tới hiện trường tai nạn, con trai nhìn thấy mặt mẹ bê bết máu bỗng hoảng sợ, khóc ré. Mất 2 năm, khi mẹ cứ ra vô bệnh viện thì con phải ở nhà loay hoay mân mê “vú da” của bà nội.

Khi con tròn 5 tuổi, ngày sinh nhật cũng là lần đầu con nhận đòn roi của ba. Một nhát chổi nện xuống, mẹ lao vào đỡ nhưng không kịp chỉ vì con bôi bánh kem lên mặt. Không phải con sai mà vì tâm tình của ba đã thay đổi. Mẹ dù đau đến bầm gan tím ruột vì sự xuất hiện của người thứ ba nhưng vẫn sẵn sàng quỳ dưới chân van xin người đàn ông ấy đừng rời bỏ con. Nhưng mẹ bất lực. Sau này con sẽ hiểu, cuộc sống có những thứ không thể cưỡng lại được.

Hai mẹ con côi cút trong ngôi nhà lạnh lẽo. Nhiều lúc, con bất chợt hỏi: “Mẹ ơi, sao người lớn cứ gặp con là nói “tội nghiệp thằng bé” vậy? Sợ ma là tội nghiệp hả mẹ? Vậy thì từ nay con không sợ ma nữa!”. Con của mẹ là một đứa trẻ nhạy cảm, con đang giả vờ mạnh mẽ vì có cảm giác được/bị thương hại. Người lớn vô ý thật! Mẹ phải làm sao để con mẹ đỡ tổn thương.

Con trai thường sợ hãi, khóc òa mỗi khi mẹ mệt đến ngất lịm. Nằm mê man trong cơn mệt nhưng ngực cứ thốn lên vì tiếng con gọi khản: “Nội ơi mẹ xỉu rồi!”.  Khi cơn mệt qua đi, nhìn con mừng rỡ mà mẹ đứt từng khúc ruột. Đừng sợ con trai, mẹ không sao thật mà! Mẹ chỉ ngủ một chút thôi. Đêm thức khuya nên mẹ mệt thôi mà. Đừng sợ con trai ơi! Con của mẹ có biết loài hươu không? Con vật con hay xem trong chương trình Thế giới động vật đấy. Hươu mẹ đứng để đẻ con, hươu con bị rơi từ trên cao nhưng hươu mẹ đã không cho nằm bẹp mà đá mạnh, bắt hươu con phải đứng dậy, đứng dậy được rồi hươu mẹ lại đá cho hươu con ngã rồi lại lòm còm tự đứng.

Những lần vấp ngã sẽ giúp con người ta có thêm sức mạnh, sẽ dễ dàng đứng lên. Mẹ con mình cũng phải học loài hươu kia, phải đứng dậy sau những lần bị vấp ngã nghen con. Nhưng con của mẹ còn quá nhỏ, như thế liệu mẹ có áp lực con không, con trai!

Theo SGGP

Đăng nhận xét

Tin liên quan