Hãy trao cho GS Trương Nguyện Thành một chữ 'quyền'
Như đối với trường hợp của Trường Đại học Hoa Sen, một trường đại học tư nhưng chịu sự điều chỉnh về nhân sự như trường công. Hội đồng quản trị của một tổ chức tư nhân mời ai làm hiệu trưởng là việc của họ, Nhà nước chỉ quản lý chuyên môn. Nhà nước cũng không nên lo lắng ông hiệu trưởng đó có trình độ quản lý hay không, vì xin thưa rằng, những thành viên hội đồng quản trị, cổ đông của tổ chức nhà trường, lo việc đó hơn ai hết. Đồng tiền liền khúc ruột, còn cha chung thì không ai khóc, cho nên tư bao giờ cũng linh động và hiệu quả hơn công là vì vậy.
Giả sử như một hiệu trưởng quản lý không tốt, thì hội đồng quản trị sẽ mời người khác thay, như CEO của một công ty, tập đoàn, có chuyện gì mà phải quy định bằng luật cho rắc rối.
Trở lại trường hợp của GS Trương Nguyện Thành, ông được hội đồng quản trị tín nhiệm đề cử với số phiếu cao, được sinh viên yêu mến, được phụ huynh tin cậy, vậy thì hãy tạo điều kiện cho nhà trường và cá nhân ông thực hiện phương án nhân sự. Điều này không chỉ là lợi ích cho phía nhà trường, mà lợi ích chung. Nhưng bằng cách nào?
Nên chăng hãy trao cho GS Trương Nguyện Thành một chữ “quyền”, là tạm thay thế.
Hiệu trưởng hay không có lẽ đối với GS Trương Nguyện Thành không là quan trọng, mà đó là vị trí để làm việc, để có thẩm quyền điều hành. Quyền hiệu trưởng tuy không là hiệu trưởng nhưng lại điều hành được. Và quan trọng, không vi phạm quy định của Luật Giáo dục đại học, vì quyền hiệu trưởng không phải là hiệu trưởng.
Luật rồi sẽ được sửa đổi, bổ sung, nếu có thay đổi, bãi bỏ “điều kiện kinh doanh” cho trường đại học tư trong việc bổ nhiệm hiệu trưởng, thì các trường đại học tư sẽ căn cứ vào quy định mới mà thực hiện. Còn hiện nay, một chữ “quyền” cho GS Trương Nguyện Thành làm hiệu trưởng là tháo gỡ cho nhiều phía.
Để cho được chữ “quyền” này, thiết nghĩ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ động làm được mà vẫn đúng luật, chính quyền TPHCM cũng có cơ sở để vận dụng “cơ chế đặc thù” mà không trái luật. Tại sao lại không làm?
Đăng nhận xét