Khởi nghiệp nông nghiệp: Con đường không dễ đi
Gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp trong hội thảo. Ảnh: Thành Hoa |
Tư duy dài hạn về khởi nghiệp
Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, cho rằng các dự án khởi nghiệp nông nghiệp hiện nay chưa có sản phẩm độc đáo cũng như chưa phát triển được đội ngũ nhân lực phù hợp với yêu cầu mang tính dài hạn. Ông cho rằng vai trò của chính phủ trong việc hoạch định chính sách để định hướng và hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp khởi nghiệp rất quan trọng. Theo sau đó là vai trò của các vườn ươm, tổ chức tín dụng trong hệ sinh thái để giúp họ duy trì và phát triển hoạt động.
Ông Trần Tấn Quý, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết TPHCM có khá nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, khá nhiều trung tâm mang tính kết nối liên quan đến việc sử dụng ứng dụng công nghệ cao (trung tâm nông nghiệp, công nghệ sinh học...). Trong mục tiêu dài hạn, TPHCM sẽ trở thành trung tâm giống cây trồng, chăn nuôi cho cả khu vực Đông và Tây Nam Bộ, sau đó là cho cả nước. Các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp của ngành nông nghiệp hiện tập trung vào khâu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xây dựng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, trong mục tiêu phát triển bền vững.
Trong cuộc cách mạng 4.0, TPHCM đặt ra trọng tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị trong năm 2018. Các chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp được ông Quý nhắc đến có việc TPHCM hỗ trợ lãi suất vay từ 40%, 60% đến 100% tùy vào mô hình sản xuất của các hộ dân, tổ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp.
Các chuyên gia ra cho rằng định vị sản phẩm, thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm là bài toán khó mà các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa "học" được. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phải đo lường rủi ro khi bắt đầu kinh doanh, chính vì vậy, việc bắt đầu kinh doanh bằng các sản phẩm đúng nhu cầu của thị trường, giúp mang lại doanh thu đê "lấy ngắn nuôi dài" cũng là một giải pháp nhằm hạn chế rủi ro.
Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp khoa học công nghệ (SVF) cho rằng con người, mô hình kinh doanh và công nghệ là ba yếu tố quan trọng nhất dù khởi nghiệp trong ngành nào. Trong kinh doanh nông nghiệp hiện tại, mô hình kinh doanh chưa đủ mạnh là yếu tố giữ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành chưa thể nhân rộng quy mô của doanh nghiệp cũng như quy mô kinh doanh. Doanh nghiệp có thể đầu tư vào máy móc hoặc công nghệ nhưng nhân rộng quy mô của doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ cần có công nghệ tiên tiến mà cần có tính sáng tạo. Mô hình kinh doanh chia sẻ, nhân rộng quy mô bằng cách cùng kinh doanh với nhiều người khác nữa thì mới có thể giúp hoạt động khởi nghiệp có thể phát triển đường dài.
Ví dụ, Uber chia sẻ việc kinh doanh của mình cho các tài xế trên khắp thế giới thông qua nền tảng của chính họ; Coca Cola tạo điều kiện để nhiều đối tác nằm trong chuỗi cung ứng của mình chia sẻ việc việc kinh doanh cùng một hệ thống bao bì. Điều quan trọng là thành bại của các đối tác không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
Cùng tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển
Ông Hoàng Minh Ngọc Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Value Commerce Hub, nói rằng lộ trình đưa sản phẩm ra thị trường phải nằm trong mô hình kinh doanh căn bản của ngành nông nghiệp, trong đó đầu ra của sản phẩm tại thị trường trong nước hay thị trường nước ngoài là điều rất quan trọng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành chưa mạnh về các điểm này cần làm việc với các chuyên gia tư vấn để tìm đầu ra cho sản phẩm ở thị trường thích hợp. Bên cạnh đó, khởi nghiệp nông nghiệp cần tận dụng công nghệ cao như công cụ nhân rộng quy mô kinh doanh.
Ông Hải chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp ở Đài Loan, các nhà sản xuất nông nghiệp không chỉ tập trung vào phân khúc sản phẩm nông nghiệp đơn thuần mà còn đầu tư cho khâu nghiên cứu và phát triển(R&D) để cho ra thêm các sản phẩm đa chủng loại khác. Ví dụ, việc ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ cho mục tiêu sản xuất các mặt hàng nông nghiệp đạt tiêu chuẩn mà còn được ứng dụng vào việc sản xuất mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cho hoạt động R&D, để đa dạng hóa sản phẩm; bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần sự cố vấn từ các chuyên gia để đầu tư theo đúng định hướng phát triển bền vững.
Giáo sư Trường khuyên các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng không nên dựa dẫm nhiều vào việc chính phủ phải tạo cho mình một môi trường thuận lợi mà nên góp phần cùng kiến tạo, xây dựng nên môi trường đó. Ví dụ, doanh nghiệm nên ra các kinh nghiệm, tình huống sát sườn mà mình gặp phải để giúp chính phủ có cái nhìn bao quát hơn về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, để từ đó các chính sách hỗ trợ mang tính thực tế và khả thi.
Ngoài các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Vườn ươm của Sở NNPTNN, Sở cũng trưng bày một số gian hàng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và bàn tư vấn cho các bạn trẻ khởi nghiệp tham khảo sự thành công của các đàn anh khởi nghiệp trong lĩnh vực để từ đó rút kinh nghiệm cho các lựa chọn đầu tư của mình trong khuôn khổ hội thảo.
Đăng nhận xét